Ngành nghề “Kỹ sư cầu nối” (Bridge System Engineer – BrSE) vẫn còn khá lạ lẫm đối với Việt Nam, và nhiều người vẫn hay nhầm lẫn đây là công việc liên quan đến cầu đường, cơ sở hạ tầng. Thực tế ngành nghề này rất phổ biến ở Nhật Bản, là một công việc đặc thù trong các đơn vị gia công phần mềm về lĩnh vực Công nghệ Thông Tin tại Nhật. Hiện nay Việt Nam chính là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn làm đối tác kinh doanh, đồng thời tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện cũng đã có một số cơ sở đào tạo cho ngành nghề này, điển hình là trung tâm Bách Khoa NPower vừa mở mốt số lớp chuyên ngành về BrSE. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về ngành nghề này nhé.
Kỹ sư cầu nối là gì?
BrSE là từ tiếng Anh viết tắt của cụm từ Bridge System Enginee, hay còn được gọi là “Kỹ sư cầu nối”, là thành viên kết nối giữa đội nhóm làm việc với khách hàng (offshore) và đội phát triển (onshore development team) trong các công ty cung cấp dịch vụ về Công nghệ, mà cụ thể ở đây onshore development team ý chỉ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin tại Nhật Bản, còn offshore là các đối tác trong và ngoài nước, trong đó Việt Nam chính là thị trường tiềm năng để tìm kiếm những hợp đồng hợp tác lâu dài do nhu cầu về phát triển công nghệ ngày càng tăng mạnh. Điển hình có thể kể đến chính là công ty lập trình Mona – đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với đối tác Nhật Bản, cung cấp hàng trăm sản phẩm bao gồm website, webapp cho doanh nghiệp tại Nhật.
Chính vì những kỹ sư cầu nối là “cầu nối” trung gian giữa khách hàng và bộ phận phát triển, vì thế những kỹ sư này phải thấu hiểu nhu cầu khách hàng, đồng thời nắm rõ về sản phẩm/dịch vụ để tư vấn kỹ thuật, đưa ra các giải pháp hợp lý. Đồng thời họ cũng giám sát quy trình thực hiện dự án, kiểm tra và bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Có thể nói “Kỹ sư cầu nối” là những người đảm nhận các công việc “phân tích yêu cầu từ khách hàng (Business Analyst), là người giám sát dự án (Project Manager), là lập trình viên (Developer) khi cần thiết, là người kiểm thử (Tester) ở khâu cuối cùng. Do đó, những “Kỹ sư cầu nối” thường sẽ là người có khả năng giao tiếp tiếng Nhật tốt (vì vị trí này phổ biến trong các doanh nghiệp Nhật Bản), tự tin và khéo léo trong giao tiếp, có kinh nghiệm quản lý dự án, đồng thời sẽ có cơ hội thường xuyên đi công tác tại Nhật.
Nhiều người khi xem mô tả công việc của “Kỹ sư cầu nối – Bridge System Enginee” thường hay hiểu lầm rằng vị trí này tương tự như “Quản lý dự án – Project Manager”. Trên thực tế hai vị trí này có nhiều thứ khác biệt cơ bản:
- Giống: đều phải tham gia vào các công việc như lên kế hoạch, phân công nhân sự, phân bổ thời gian, kiểm soát thời hạn dự án, phân tích chi phí, quản lý tiến độ dự án, giải quyết những phát sinh trong quá trình thực hiện.
- Khác: Bridge System Enginee chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa khách hàng và bộ phận dự án, trong khi Project Manager thường là người làm việc với Bridge System Enginee để trực tiếp thực hiện theo yêu cầu của khách hàng. Một Bridge System Enginee thường không có quá nhiều chuyên môn kỹ thuật nhưng bắt buộc có ngoại ngữ và khả năng giao tiếp, ngược lại với Project Manager. Khi có lỗi phát sinh, dù cả hai đều phải tham gia khắc phục, nhưng chính Bridge System Enginee sẽ làm việc, báo cáo và thuyết phục với khách hàng, còn Project Manager là đảm nhận việc sửa chữa lỗi đó.
Xem thêm: ERP là gì? Lợi ích khi sử dụng phần mềm ERP cho doanh nghiệp
Những áp lực của một “Kỹ sư cầu nối”
Chịu áp lực cao về deadline: có thể so sánh Bridge System Enginee như những Account làm việc tại các agency, chỉ khác nhau về lĩnh vực và dịch vụ cung cấp. Họ chính là người chịu áp lực deadline nhiều nhất, bởi nếu thỏa thuận deadline không phù hợp, team phát triển dự án không thể hoàn thành đúng thời hạn, khách hàng sẽ không hài lòng với chất lượng dịch vụ của công ty, từ đó uy tín giảm sút. Việc tăng ca đối với các Bridge System Enginee là chuyện như cơm bữa, khi họ phải chịu áp lực từ hai phía: khách hàng đốc thúc và tiến độ thực hiện của team nội bộ.
Đứng mũi chịu sào: là “cầu nối” giữa khách hàng và bộ phận dự án nội bộ, do đó họ cũng đồng thời chịu áp lực từ hai phía. Khách hàng luôn có những yêu cầu của “thượng đế”, trong khi đó team phát triển dự án cũng có những cái lý riêng để phản biện lại. Do đó, thường những Bridge System Enginee phải là người vừa dỗ ngọt khách hàng, vừa phải khéo léo đốc thúc nội bộ để hoàn thành kịp deadline và đúng theo yêu cầu khách đề ra. Quả thật như làm “dâu trăm họ, khổ trăm bề”.
Sự khác biệt về văn hóa: Chức danh Bridge System Engineer tuy không hẳn độc quyền tại Nhật, nhưng hầu như chỉ có các doanh nghiệp Nhật Bản mới đẩy mạnh phát triển vị trí này, do đó nhiều người nghĩ rằng cứ làm Bridge System Engineer là 95% là làm việc với các công ty đến từ xứ phù tang. Dù cùng thuộc Á châu, nhưng chắc chắn đối tác, hay công ty bạn đang làm việc cùng sẽ có văn hóa làm việc và văn hóa chung khác với Việt Nam. Bạn sẽ phải chịu áp lực rất lớn khi phải bắt kịp với cường độ làm việc cao, tính kỷ luật và nghiêm khắc của họ.
Phải học hỏi và nâng cấp các kỹ năng liên tục: bất kể ngành nghề nào cũng thế, không học tập tiến lên bạn sẽ bị thụt lùi. Đặc biệt đối với nghề “Kỹ sư cầu nối”, bạn cần học nâng cao về kiến thức chuyên môn, đồng thời cải thiện nhiều kỹ năng cần thiết (quản lý dự án, quản lý nhân sự, giao tiếp…) để thăng tiến trong sự nghiệp.
Tiềm năng của công việc “Kỹ sư cầu nối”
Đi kèm với thách thức và áp lực, thì mức lương thưởng của công việc “Kỹ sư cầu nối” cũng vô cùng hấp dẫn, do đó nó có thể thu hút không ít bạn trẻ dấn thân vào. Theo số liệu từ Chuyên trang TopDev vừa đưa ra bản báo cáo về thị trường Developer (lập trình viên) tại Việt Nam, mức lương bình quân mà các công ty công nghệ trả cho chức vụ Kỹ sư cầu nối (BrSE), dao động từ 45 triệu đến 100 triệu đồng mỗi tháng, tức là gấp 4-5 lần so với các lập trình viên thông thường (10 triệu đồng đến 25 triệu đồng mỗi tháng). Thậm chí có công ty sẵn sàng trả 130.000.000 đồng/tháng cho những ứng viên có kỹ thuật chuyên môn tốt, ngoại ngữ giao tiếp ở trình độ cao, tức là nó đã ngang ngửa với mức lương của vị trí Giám đốc Hệ thống thông tin (CIO).
Không chỉ có cơ hội có được mức thu nhập “khủng” mà các kỹ sư cầu nối còn có cơ hội “du lịch” – công tác dài hạn hoặc ngắn hạn “như cơm bữa”, đặc biệt tại Nhật Bản mà không phải tốn bất kỳ chi phí nào. Thậm chí một số doanh nghiệp như MekongData, ngoài thông tin về mức thu nhập hấp dẫn còn khẳng định các ứng viên sau khi trúng tuyển sẽ được sắp xếp việc làm tại Nhật và các thủ tục pháp lý có liên quan như visa, chỗ ở, đào tạo văn hóa Nhật … FPT Software là doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có doanh thu từ Nhật Bản lớn nhất cũng tạo điều kiện rất lớn cho các kỹ sư làm việc ngắn và dài hạn trong các dự án với khách hàng Nhật tại nước sở tại nhằm nâng cao trình độ, và đài thọ hầu hết chi phí. Đặc biệt, họ có nhu cầu rất lớn về nhân lực làm việc cho vị trí này, nên cơ hội tuyển dụng luôn rộng mở.
Tuy cơ hội dồi dào, nhu cầu tuyển dụng lớn, thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội làm việc tại nước ngoài như thế nhưng nhìn chung thị trường vẫn luôn khát nhân lực tại vị trí này. Lý do là để có thể ứng tuyển vị trí này, ngoài chuyên môn, thì trình độ tiếng Nhật phải tương đương N2. Tiếng Nhật chính là rào cản lớn nhất bởi số lượng các kỹ sư Công nghệ thông tin được đào tạo tiếng Nhật thực sự còn khá hạn chế. Công việc áp lực cao, khác biệt văn hóa cũng chính là thách thức lớn khi dấn thân vào con đường “Kỹ sư cầu nối”.
Bất cứ ngành nghề hay công việc nào cũng sẽ có những khó khăn, thách thức để nếm được trái ngọt, công việc “Kỹ sư cầu nối”. Chỉ cần vượt qua những khó khăn của nó, chắc chắn một công việc có mức lương thưởng hấp dẫn, cơ hội công tác nước ngoài và tương lai thăng tiến cao sẽ rộng mở chờ bạn ở phía trước.